Chúng Ta - Chapter 0 - Tôi thừa nhận rằng chúng ta từng trải qua những thăng trầm
Lời nói đầu : Tôi thừa nhận rằng chúng ta từng trải qua những thăng trầm
Một tác giả hay chính là một kẻ trộm.
Hai tháng trước lúc tôi mở hộp thư ra, nhận được bản thảo phần đầu “Chúng ta” của Tân Di Ổ, lúc nhìn thấy tiêu đề ở trang đầu tiên “Điều mà em có thể tặng cho anh, là hai mươi tám năm ký ức chúng ta quen biết nhau” thì tự dưng lại chẳng dám xem nữa. Tôi quá rõ cái cảm giác này rồi. Tình yêu thời thanh xuân thường là như vậy, bất kể trông có vẻ suôn sẻ hay khúc khuỷu bao nhiêu thì cũng không có một ngoại lệ nào chính là quá trình thổ lộ trái tim mình với người khác. Cái cảm giác đó giống như khi bóc vỏ một củ hành tây, từng miếng từng miếng, cẩn thận dè dặt, có chút cẩn trọng, có chút thấp thỏm, có chút sa đọa rồi cũng lại có chút mong chờ. Cảm giác ấy rất giống thời tiết vào tháng 8, mọi thứ đều ngoài tầm kiểm soát.
Tôi biết mình sẽ không thể là kẻ sống sót, và tôi cũng biết rằng những trải nghiệm và ký ức của mình sẽ bị đánh cắp hoàn toàn nhưng tôi vẫn bước lên chiếc du thuyền mang tên “Chúng ta”. Nó đưa mỗi chúng ta vào ký ức sâu thẳm, nhưng đột nhiên động cơ lại vụt tắt, và rồi mỗi người chúng ta bắt đầu nhận rõ dáng vẻ trong quá khứ của bản thân qua màn sương mù, từ kích động đến sợ hãi.
Bạn có lẽ sẽ nghĩ đến rất nhiều việc.
Tuy bạn thường cảm thấy bản thân sau khi trưởng thành sẽ trở nên dũng cảm, tuy bạn vẫn luôn miệng cảm ơn bản thân trong quá khứ. Nhưng nếu như có một ngày, chiếc hộp đen trong lòng bạn bị một bàn tay mở ra mà không hề báo trước, dù đó là phần đáng viết nhất của thời thanh xuân niên thiếu, hay là một phần mà bạn không dám động đến nhất bị phơi bày ra, bạn vẫn sẽ cảm thấy hoảng hốt thậm chí là sợ hãi — Mỗi người đều đã từng yêu, nhưng cái dáng vẻ khi yêu thời thanh xuân sẽ chẳng thể trở lại được.
Nói cho cùng, chúng ta sợ hãi là bởi vì cảm thấy xấu hổ.
Mọi thứ đều đã hoàn toàn thay đổi. Chúng ta sau khi trưởng thành dù có thành công hay tầm thường, dù may mắn hay bất hạnh đều đã trở thành một hạt cát trong dòng đời, bị thời gian cuốn theo một cách vội vã.
Bạn vốn dĩ đã quen với những điều này, thậm chí còn có tư cách để tự mãn trong cái khuôn mẫu đã được thiết lập sẵn của cuộc sống. Nhưng quyển sách này thật không đúng lúc lại cố ý nhắc nhở bạn một việc – Tình yêu vẫn là điều quan trọng nhất trên thế giới này. Sau đó bạn sẽ thoáng sửng sốt, tôi cược rằng hơn phân nửa độc giả khi đọc tiếp truyện sẽ cảm thấy chẳng dễ chịu chút nào.
Giống như khi một mình đi trên đường, sợ nhất chính là nghe thấy bài “Yêu” của Mạc Văn Úy. Chỉ một câu hát “Anh còn nhớ không?” thì cả người liền cảm thấy “tiêu” rồi. Giữa biển người mênh mông, mọi người đều muốn tìm được một nửa kia của bản thân, nhưng có bao nhiêu người đến lúc già vẫn chưa gặp được người đó? Rồi có bao nhiêu người lại dễ dàng đánh mất đi đối phương? Còn có bao nhiêu người thì giống như trong lời bài hát của Lâm Tịch “Khi nhắm mắt lại em sẽ nhớ đến ai? Khi mở mắt ra thì người bên cạnh em là ai?”. Ngay cả khi tình yêu được vun đắp từ thời tuổi trẻ có được kết quả mĩ mãn thì lại có bao nhiêu người đã chuyển từ “yêu nhau” thành “sống chung”.
Tân Di Ổ đã dành trọn thời gian hai năm để trau chuốt cho câu chuyện này. Một dạo, cô ấy đã nghĩ rằng muốn dùng cuốn sách này làm một lời tạm biệt tạm thời cho mười năm ra mắt của mình. Nhưng khi xem xong, tôi lại cảm thấy quyển sách này giống như một bản tổng kết cho mười năm sáng tác của cô ấy hơn, một sự tích lũy kỹ lưỡng và thú vị nhất. Nói chung, xem sách giống như xem phim vậy, một bộ phim hạng hai đánh cắp cảm xúc của người xem, khiến bạn khi khóc khi cười cùng người trong phim, hoàn toàn quên mất chính mình. Còn bộ phim hạng nhất thì lại đánh cắp mất trái tim người xem, lúc xem phim bạn vẫn sẽ khóc sẽ cười, chẳng qua lại có nhiều khi khóc không phải vì người trong phim mà là vì chính mình. Một bộ phim hay thì giống như kiểu thập diện mai phục vậy, bom mìn vây khắp nơi, nếu không cẩn thận sẽ chạm đến tất cả cảm xúc yêu hận cùng ký ức trong bạn. Các diễn viên thì phát huy hết khả năng diễn xuất của mình và khán giả cũng vô thức giao phó cả bản thân, giống như khi đi xăm hình, đến lúc hoàn thành thì bạn vẫn sẽ không thể nào không nhớ cái nỗi đau lúc tỉnh táo đó.
Cá nhân tôi cảm nhận rằng thông qua bộ truyện “Chúng ta” này, Tân Di Ổ đã tạo nên một bước nhảy vọt quan trọng nhất đối với sự nghiệp sáng tác của mình, từ “đánh cắp cảm xúc” đến “đánh cắp trái tim”. Từ đây, cô ấy hoàn toàn có thể lui về phía sau, nhất vĩ độ giang, xóa tên mình ra khỏi danh sách các bậc thầy của văn học thanh xuân.
Có thể bạn sẽ hỏi rằng, “Chúng ta” chẳng qua là một câu chuyện về thanh mai trúc mã thì làm sao lại tạo nên cảm xúc thương cảm mạnh mẽ như vậy? Nếu bắt buộc phải trả lời câu hỏi này thì từ kỹ thuật sáng tác không gì diễn tả được ngoài hai từ “tinh tế”.
Năm đó, lúc bắt đầu thịnh hành phim Hàn Quốc, bộ “Trái tim mùa thu” đã khiến cho đám con trai trong ký túc xá nước mắt giàn giụa, rồi còn có một bộ phim Nhật Bản “Chuyện tình Tokyo” cũng đạt được hiệu quả như vậy. Nhưng bộ phim đầu chỉ “đánh cắp cảm xúc”, bộ phim sau thì lại “đánh cắp trái tim”. Chẳng có các tình tiết phức tạp nhiều vẻ, chỉ là một câu chuyện về mối tình tay ba. Kanji là một tên đầu đất, và cũng chính là một cánh cửa khiến cho Rika muốn khám phá nhưng lại vấp phải vô vàn trắc trở. Chúng ta nhìn thấy Rika từ cánh “cửa” bước ra rồi lại đi vào cánh “cửa” ấy, hoặc có lúc lại đứng đợi trước “cửa”, cứ bỏ đi rồi lại trở về, hết lần này đến lần khác vô vọng mà cẩn thận dè dặt gõ “cửa”. Tuy rằng Kanji và Rika sống chung cùng một thành phố, thậm chí làm chung một công ty, sống chung một phòng, nhưng con đường để một người phụ nữ bước vào trái tim của một người đàn ông cũng sẽ khúc khuỷu chẳng thua gì con đường núi mười tám khúc quanh. Chính vì cách trình bày tinh tế như vậy mà chúng ta luôn có thể tìm thấy một số điểm giống nhau giữa hành trình tình cảm của mình và Rika. Tại thời điểm đó, chúng ta và Rika là bạn đồng hành, chúng ta quên mất cô ấy chỉ là một nhân vật trong phim mà hiển nhiên xem cô như một cái tôi khác trên thế giới này.
“Chúng ta” chính là kiểu như vậy. Tình yêu giữa Kỳ Thiện và Chu Toản đã nảy sinh từ thời niên thiếu, họ được thắt chặt trên cùng một nhánh cây mây nhưng lại tự phát triển theo các hướng riêng. Tình yêu của họ chưa từng trải qua mưa to gió lớn, thiên tai nhân họa gì, nhưng cũng chẳng chống lại nổi sức ép của sự trưởng thành cũng như sự trói buộc bởi những suy nghĩ nhạy cảm mỏng manh trong nội tâm họ. Vậy nên hai mươi tám năm qua, họ chỉ bướng bỉnh đem những mầm cây của bản thân quấn thành từng vòng từng vòng tròn quanh gốc cây mây, chẳng dám tiến lên một bước để tiếp cận đối phương nhưng thực tế lại càng xích lại gần nhau.
Đây là một tác phẩm với cốt truyện và những tình tiết điển hình, không có những tình huống thăng trầm cũng không có vận mệnh trắc trở mà chỉ một câu chuyện về hai con người quen biết nhau từ lúc nhỏ, cùng nhau trưởng thành, cùng đem từ “Tôi” và “Cậu” biến thành “Chúng ta”. Và trên thực tế thì thể loại truyện không chủ yếu dựa vào các tình tiết thúc đẩy là loại truyện khó viết nhất, chẳng trách chính Tân Di Ổ đã nói rằng bản thân viết cuốn tiểu thuyết này muốn bạc cả đầu.
Chúng ta đều biết rằng có một loại bánh tên “bánh kem cầu vồng”, bề mặt của nó chỉ có một màu, nhưng sau khi cắt ra thì lại thấy được từng lớp từng lớp các màu đỏ cam vàng xanh lục lam tím, màu sắc rực rỡ nhưng được phân tách rõ ràng. Những điều bất ngờ mà tác phẩm “Chúng ta” đem lại chính là như vậy. Nếu như bạn muốn nói rằng chẳng phải chỉ là hai người nói chuyện yêu đương thôi sao, có gì mà đáng xem? Vậy thì bạn đã sai rồi. Nói chuyện yêu đương thì điều quan trọng là “nói”. Nếu cho bạn một đề làm văn bảo bạn viết về tình yêu của hai người mà lại là kiểu tình yêu phải trải qua “tám năm kháng chiến” mới đến được với nhau, thì chỉ việc nghĩ ra nội dung để họ nói với nhau mỗi khi gặp mặt trong khoảng thời gian dài như vậy cũng đủ khiến bạn sụp đổ rồi.
Ở điểm này, Tân Di Ổ đã đạt đến một trình độ cực cao. Sự giằng co về cảm xúc và tâm lý giữa hai người cũng căng thẳng chẳng kém những xung đột kịch tính trong các bộ phim. Có nhiều lúc, cuộc đối đầu tâm lý giữa Chu Toản và Kỳ Thiện giống như trò chơi trốn thoát khỏi mật thất với độ khó vượt trội nhưng vẫn khiến người xem phải say mê. Nhưng cũng chính việc mô tả rõ ràng những chi tiết nhỏ ấy làm cho bạn phát hiện ra rằng có những điều mà bạn xem là thói quen trong tình yêu cũng có một khía cạnh kích thích và thú vị như vậy. Đây chính là kỹ xảo của tiểu thuyết gia, giống như khi chiên trứng gà vậy, cô ấy sẽ bất ngờ lật một mặt lại cho bạn nhìn thấy sự biến hóa đồng thời ngửi thấy mùi thơm mê người.
Đáng nói hơn là, trong cuốn sách này Tân Di Ổ không chỉ viết về tâm lý tình yêu của nữ chính mà nam chính còn được cô tỉ mỉ khắc họa như hình ảnh trong cuốn tiểu thuyết “Nỗi đau của chàng Werther”. Trưởng thành trở thành bối cảnh chung của hai nhân vật chính và cũng làm cho tình yêu của họ có thêm hương vị thanh xuân. Sau khi Chu Toản hụt hẫng khi đối mặt với cảnh gia đình tan vỡ, sợ nghiệp chênh vênh, tình cảm mờ nhạt đã khiến anh không thể không trưởng thành, giống như một chàng thiếu niên đột nhiên lại trở thành một người đàn ông, anh muốn đi chinh phục, anh muốn trở thành một anh hùng, muốn bảo vệ những người xung quanh mình nhưng lại chẳng có nhiệt huyết và sức lực, chẳng biết tiếp đến nên làm gì. Trong trò chơi giải đố tình cảm như mèo vờn chuột với Kỳ Thiện, người đàn ông này đầu tiên đã nghĩ cách trốn tránh. Anh cứ ở đó “chăm chú chơi với chiếc bật lửa, cứ bật lên rồi tắt đi hết lần này đến lần khác”, Kỳ Thiện thì liều mạng vẫy những trang sách để quạt đi làn khói ngạt ngào do hai người trước đó để lại, đó là lần đầu tiên cô bị tên nhóc xấu xa Chu Toản dụ dỗ hút thuốc. “Âm thanh vẫy những trang sách và tiếng “cạch cạch”của bật lửa vang lên không dứt, tẻ nhạt nhưng dai dẵng dường như chẳng có hồi kết.” Lúc này, Chu Toản đột nhiên hỏi: “Cậu nói xem, tương lai tôi sẽ trở nên như thế nào? Chúng ta sẽ như thế nào?”
Tôi đặc biệt thích khung cảnh này, có cảm giác như trong một bộ phim của Vương Gia Vệ. Tình yêu rất quan trọng, nhưng tình yêu trong những năm tháng trưởng thành của chúng ta nhiều lúc chỉ như một tấm lục bình trôi. Chu Toản trời sinh đã yêu thích việc dạy hư Kỳ Thiện, mà Kỳ Thiện dù tích cực chống lại việc dạy hư này nhưng khi làn khói tan đi thì lại lưu luyến “hương vị tội lỗi” đó.
Và câu hỏi trong vô thức của Chu Toản giống như một cuộc đối thoại với thời thanh xuân của chúng ta, từng chữ từng câu như đang gõ vào trái tim chúng ta. Khi đó, bạn khó mà không cảm thấy đa sầu đa cảm hơn. Suy cho cùng, đây là một cuốn tiểu thuyết gần ba trăm ngàn chữ, chúng ta đi cùng với Chu Toản và Kỳ Thiện quá lâu thì làm sao chúng ta lại chưa nếm trải những vết tích của thanh xuân, những vấp váp của sự trưởng thành cũng những mâu thuẫn trong tình yêu được? Ngoại trừ tình yêu tuổi trẻ rực rỡ khiến người khác chói mắt, tôi nghĩ chẳng có ai mà tuổi trẻ lại không trải qua cái cảm giác lo âu và bối rối. Mà cái cảm giác đó, ngay cả khi đối mặt với người mình yêu cũng chẳng thể nhắc đến. Có lẽ, thời thanh xuân khi mà chúng ta lần đầu biết được cái cảm giác buồn lo thì chúng ta đã trưởng thành rồi, từ đó phải tạm biệt cái tuổi thanh xuân và bị đẩy vào chặng đường tiếp theo của cuộc đời, bắt đầu đối mặt với những khó khăn để trưởng thành. Vì vậy, tình yêu dưới nét bút của Tân Di Ổ chưa bao giờ có những sự phù phiếm như các bộ phim thần tượng hay sự giả dối như Mary Sue, ngay khi bắt đầu sẽ bị bao phủ bởi một nỗi phiền lo nhàn nhạt của sự trưởng thành, chính vì thế càng thêm chân thật và làm người đọc đồng cảm hơn. Truyện cũng làm độc giả cam tâm tình nguyện giao phó cả những bí mật và trải nghiệm của mình trong quá trình đọc, và kết quả là đến cuối cùng không chỉ đọc xong một quyển sách mà là độc giả và tác giả cùng nhau hoàn thành một tác phẩm mới. Đem đến trải nghiệm tương tự như vậy còn có tác phẩm “Anh có thích nước Mỹ không?”, cả hai đều là “đánh cắp trái tim”, nhưng “Anh có thích nước Mỹ không?” là đánh cắp còn “Chúng ta” là “lén trộm”, giống như khi bạn đánh mất một món đồ nhưng phải qua mấy ngày mới phát hiện ra. Rõ ràng thì cái sau thủ đoạn lại cao tay hơn.
Vì vậy, chúng ta đều yêu Chu Toản, một con ngựa hung hãn trong gia đình bị quấy rầy bởi “người anh trai” – đứa con hoang của cha mình. Một dạo lấy thân phận chủ nhân mà “làm mưa làm gió”(*) nhưng đến cuối cùng anh lại nhận ra rằng chính mình mới là “kẻ xâm nhập” dư thừa ấy. Mặc dù cát dưới chân lún càng ngày càng sâu nhưng cuối cùng chúng ta vẫn vui mừng khi nhìn thấy anh đã tìm lại được chính mình. Và rồi, chúng ta cũng đã hiểu được Kỳ Thiện, tuy Yourcenar từng nói “Thứ thối nát nhất trên thế gian là lòng tự trọng” nhưng trong tình yêu, phụ nữ chỉ có thể dùng lòng tự trọng để tự bảo vệ mình, duy trì sự đẹp đẽ và thuần khiết trong tình yêu. Mặc cho mọi lời nói và hành động của Chu Toản đều mang cảm giác bỡn cợt, nhưng Kỳ Thiện vẫn cẩn thận dè dặt mà đem cất giấu trong lòng giống như những món đồ chơi nhỏ của cô. Cô đã từng cố gắng quên đi cái đêm đó với Chu Toản, thật ra trong lòng cô cũng không quá bài xích, chỉ là cảm thấy giống như một nhà sưu tập nghiệp dư đột nhiên gặp được một bảo vật vô giá nhưng lại chẳng biết nên làm như thế nào, và khi mà cô đã sẵn sàng để tiếp nhận nó thì mọi phiền não cũng sẽ tự động trở nên ngọt ngào. Và đương nhiên, chúng ta cũng có thể hiểu được sự phản bội sau này của Chu Tử Khiểm, Chu Tử Đình “lẳng lơ” một thời lại tỏ vẻ trong trắng khi ở chung một chỗ với người yêu cũ. Thậm chí, chúng ta cũng có thể hiểu cho sự sa ngã của cô thiếu nữ từ miền núi Ngụy Thanh Khê hay sự bồng bột cuối cùng trong đời của anh chàng lãng tử A Long dù cho phải đền bằng cả mạng sống. Có lẽ vì tác giả và chúng ta đều là những người từng trải, đều biết rằng trên đời này không có gì là tồn tại mãi, nhưng cũng không có gì là không thể cảm thông và tha thứ.
(*)飞扬跋扈/fēiyángbáhù/: ngang ngược; ngông cuồng; làm mưa làm gió
Tân Di Ổ đã đưa ra đáp án cho câu hỏi kia của Chu Toản rồi, cá nhân tôi nghĩ rằng đó là sợi chỉ vàng xuyên suốt toàn bộ cuốn tiểu thuyết, trích từ tác phẩm “Faust” – “Một người lương thiện dù đang hoang mang trong sự truy cầu của mình, nhưng đến cuối cùng vẫn sẽ tìm thấy con đường đúng đắn”.
Tôi tin rằng mọi người đều có thể nhìn thấy chính mình trong cuốn sách này.
Nếu bạn rơi nước mắt, vậy là đúng rồi. Bởi vì, chỉ những người thật sự đã từng yêu mới biết được rằng để “Tôi” và “Cậu” trở thành “Chúng ta” thì phải trải qua những thăng trầm khúc khuỷu như thế nào.
Lý Quốc Tĩnh
Người sáng lập ” Bạch Mã Thời Quang”